Áp dụng ý tưởng từ Giải Nobel Kinh tế 2020 đến đấu giá quyền sử dụng đất tại Việt Nam

Ở Việt Nam, cho đến nay, đấu giá mới chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp, với hình thức đơn giản, mà phổ biến nhất là đấu giá quyền sử dụng đất (chiếm hơn 90% tổng số các cuộc đấu giá). Do đó, việc áp dụng ý tưởng từ Giải Nobel Kinh tế 2020 đến đấu giá quyền sử dụng đất ở nước ta là một chủ đề mới đã được tác giả Phạm Ngọc Hương Quỳnh (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nguyễn Thị Ngọc Mai (Học viện Hành chính Quốc gia) phát triển và công bố trong nghiên cứu “Applying the Lessons Learned from the Economics Nobel Prize 2020 to Land Use Right Auction in Vietnam” đăng trên tạp chí Inzynieria Mineralna (Journal of the Polish Mineral Engineering Society) tập 1, số 2 (2021).



Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2020 ghi nhận và vinh danh hai nhà kinh tế học - Paul Milgrom và Robert Wilson - đã có những cống hiến về lý thuyết đấu giá và các hình thức đấu giá mới. Nghiên cứu của nhóm tác giả đi sâu tìm hiểu ý tưởng về hình thức đấu giá mới trong Giải Nobel Kinh tế 2020, phân tích và đưa ra các bài học chính từ Giải Nobel Kinh tế 2020 trong việc tạo ra cơ chế chia sẻ thông tin và chia sẻ lợi ích giữa những người tham gia. Các tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và phân tích dữ liệu thứ cấp, đồng thời nghiên cứu khung pháp lý hiện hành và thực tiễn triển khai về đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam, chỉ ra những hạn chế trong việc chia sẻ thông tin cũng như những bất lợi trong việc phân bổ và cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan khác nhau tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Từ đó, các tác giả đề xuất áp dụng những ý tưởng và bài học từ hình thức đấu giá mới trong giải Nobel Kinh tế 2020 để thay đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam nhằm cải thiện và hài hòa phúc lợi cho cả Nhà nước và các bên tham gia đấu giá.

Hai nhà kinh tế học Milgrom và Wilson đã thiết kế, sáng tạo ra hình thức đấu giá mới có khả năng ứng dụng cao trong thực tế và đem lại lợi ích lớn cho xã hội - được gọi là Đấu giá đa phiên đồng thời (Simultaneous Multiple Round Auction - SMRA). Trong đó, các tác giả của giải thưởng Nobel Kinh tế 2020 đã kết hợp vai trò của thông tin và hệ thống khuyến khích để hoàn thiện các cơ chế đấu giá khác nhau nhằm giải quyết vấn đề “thông tin bất đối xứng” trong đấu giá. Hình thức SMRA đã thành công trong việc tạo cơ chế chia sẻ thông tin giữa các bên tham gia, và chính việc chia sẻ thông tin này đã giải quyết được “lời nguyền của người chiến thắng”, đem lại lợi ích cho tất cả những người tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, hình thức SMRA còn tạo ra cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan khác nhau trong cuộc đấu giá nhằm đạt kết quả phúc lợi tối ưu cho tất cả các bên. Nó là kết quả của sự kết hợp giữa nhiều lý thuyết gần với đấu giá, như “lý thuyết thương lượng song phương”, “lý thuyết định giá lợi ích”, “lý thuyết đối sánh”, “lý thuyết trò chơi”. Hình thức SMRA giúp cho việc thương lượng diễn ra thuận lợi hơn, trên cơ sở đem lại được lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Nó cũng đã chứng minh được mức độ phù hợp thực nghiệm của lý thuyết trò chơi trong các tình huống mà những người tham gia, chiến lược và kết quả dễ dàng được xác định rõ ràng. Bởi vì thông qua cách đấu giá này, có thể làm rõ những điều cốt yếu tác động đến quyết định của những người tham gia như sở thích, thông tin, sự hiểu biết của họ, từ đó dẫn đến hành động có thể tối ưu lợi ích. 

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất. Trên cơ sở phân tích khung khổ pháp lý hiện có và thực tiễn triển khai về đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam, bài viết cho thấy các quy định hiện tại không khắc phục được những thách thức do xuất hiện sự thông đồng giữa những người tham gia đấu giá, thông tin không cân xứng và sự không chắc chắn trong việc đánh giá giá trị. Bên cạnh đó, trên thực tế, thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, Nhà nước đã tạo ra giá trị gia tăng lớn do chuyển mục đích sử dụng đất. Các nhà đầu tư là người thu được lợi ích lớn nhất từ giá trị gia tăng này, trong khi lợi ích trực tiếp của nông dân lại ít hơn, thậm chí nông dân có thể bị thiệt thòi nếu giá đền bù quá thấp so với mức tăng của giá đất trên thị trường sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Dựa trên kết quả phân tích trên, bài viết đưa ra một số gợi ý thay đổi quy định về đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Việc xây dựng một hình thức đấu giá phù hợp, có thể tạo cơ chế chia sẻ thông tin, chia sẻ lợi ích nhằm đạt được phúc lợi tối ưu cho người tham gia đấu giá đất ở Việt Nam là cần thiết. Vì vậy, cần thay đổi một số quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, bao gồm: 

(i) Thời gian tổ chức đấu giá; 

(ii) Tổ chức, cá nhân được phép tham gia đấu giá; 

(iii) Hình thức, phương thức đấu giá; và 

(iv) Xác định giá khởi điểm. 

Trong đó, cần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trước khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Cần bổ sung các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất vào danh sách đương nhiên tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Nên tổ chức nhiều đợt đấu giá quyền sử dụng đất với nhiều thửa đất, khu vực khác nhau tại cùng một thời điểm. Về hoạt động định giá đất, Nhà nước cũng cần bổ sung quy định cho phép người bị thu hồi đất có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định giá đất và giá này có thể trở thành giá khởi điểm đấu giá.

>> Về bài báo:  PHAM, N. H. Q., & NGUYEN, T. N. M. (2021). Applying the Lessons Learned from the Economics Nobel Prize 2020 to Land Use Right Auction in Vietnam. Inżynieria Mineralna1(2). https://doi.org/10.29227/IM-2021-02-19

 

Nhóm tác giả: 

(1) TS. Phạm Ngọc Hương Quỳnh: Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

(2) TS. Nguyễn Thị Ngọc Mai: Học viện Hành chính Quốc gia.

- Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN

TS. Phạm Ngọc Hương Quỳnh hiện là giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hướng nghiên cứu chính của bà tập trung vào lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý công, quản lý đất đai... Bà cũng tham gia một số nghiên cứu về kinh tế chính trị và lịch sử tư tưởng kinh tế. Tính đến nay, bà đã có 3 bài báo được xuất bản trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus.

 




Các tin khác

<123>